1 min read

 “Học rộng và trì giới Hai đời đều lợi ích Hiện đời được ngợi khen Sở nguyện luôn thành tựu.” Thích Phước Tịnh dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Đa văn 

Đa văn nghĩa là nghe đọc nhiều, nghiên cứu rộng, thân cận thiện hữu, gần gũi bạn lành. Hiện nay rất nhiều kinh văn của Phật được dịch ra tiếng Việt từ Pali tạng và Hán tạng. Trong đó, văn học Phật giáo Nguyên Thủy là nền tảng cho văn học Phật giáo Đại Thừa và của nhiều tông phái khác có mặt trên nhiều quốc gia.  Đa văn là phẩm chất đầu tiên và nhu cầu tự nhiên của người xuất gia. Một thầy Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni,về lãnh vực hiểu biết nhân gian,có thể thấp hơn người nhân thế.  Nhưng trong lãnh vực kinh văn, tu tập, và đạo hạnh, người xuất gia phải cao hơn người Cư sĩ một bậc. Khi đã chọn đời sống xuất gia làm lý tưởng đời mình, người xuất gia không tự cho phép dừng lại trong công trình tu học Phật pháp. Bậc đa văn ngày xưa như ngài Anan cả đời không ngừng tiếp thu lời Phật dạy.  

Vậy ta là ai mà tự hào mình đã học đủ? Ta là ai sao lại dám khước từ việc đọc Kinh văn để làm hương vị chánh pháp thấm nhuần tự thân, làm lời dạy đức Thế Tôn toả sáng một đời? Trong truyền thống Thiền tông, một số các Thầy lầm lẫn cho rằng đọc nhiều tâm sẽ bị phân tán. Một số Thầy trong truyền thống Tịnh Độ tông lại bảo không cần học, chỉ niệm Phật là đủ. Cách suy nghĩ như vậy đưa đến tình trạng cực đoan, đệ tử chỉ được học trong phạm vi Tông môn của mình, không được phép nghe bài giảng của các vị thầy thuộc Tông môn khác. Người cư sĩ ngày nay không quá cục bộ trong Tông môn như vậy. Họ có quyền tham khảo hoặc tham dự khoá tu của rất nhiều truyền thống khác nhau. 

Bản thân tôi không bận tâm bắt đệ tử phải theo mình một mực. Đến với tôi, họ học để thấu đạt đạo.  Để thiết lập công phu hành trì thật vững, tôi khuyến khích họ nên tham gia các khoá tu ở những nơi khác, ví dụ khoá tu do trung tâm của thiền sư Goenka tổ chức. Tôi rất vui khi thấy một số Sư cô rời thiền viện Trúc Lâm đi tu học tại trung tâm Thiền ở Miến Điện.  Có khi tôi gửi một chút quà về để họ có điều kiện qua xứ người tu học và mở rộng tầm hiểu biết và trí tuệ. Nói về sự khác biệt giữa người đời và người tu trên con đường mở rộng trí tuệ, người đời khi có học hàm học vị, họ rất tự hào về sự học của họ.  Nhưng với người tu, càng hiểu biết Phật pháp, họ càng khiêm tốn. Nếu tâm thức vẫn tràn đầy sự kiêu ngạo tự mãn thì đây là con đường nghịch, không đúng với con đường đa văn của Thánh đệ tử Như Lai.

Thật vậy, khi tâm thức mở ra trên nền tảng giáo lý đạo Phật, bản ngã ngày càng tiêu mòn, tâm thức ngày càng hài hòa. Và đây là sự hài hòa giữa trí tuệ và từ bi, cả bên trong lẫn bên ngoài. Khi đọc nhiều hiểu rộng về Phật pháp, chúng ta phát triển cả chiều cao trí tuệ lẫn chiều rộng yêu thương. Hai điều này không thể tách rời nhau. Sự hoà điệu giữa trí tuệ và từ bi tạo thành năng lực để chúng ta làm Phật sự. Làm Phật sự với toan tính hơn thua sẽ không bao giờ thành công được. Tóm lại, đa văn là định chuẩn của người Phật tử tại gia và xuất gia. Phật pháp như đại dương! Chúng ta nên phát đại nguyện lấy công trình học tu và hành trì những điều Phật dạy làm lý tưởng căn bản cho một đời này và ngàn vạn kiếp trong tương lai. Ngay trong đời này, chúng ta phải xem việc học chánh pháp quan trọng như hơi thở vào ra duy trì mạng sống và tự hứa với lòng không ngừng hành trì những điều học được để nâng cao phẩm chất đời sống lên từng ngày. 

Trì giới

Giới của Như Lai không phải là quy chế ràng buộc đời sống, hạn chế tự do, làm ta mất đi niềm phúc lạc trong đời sống hằng ngày. Bản chất của giới không phải là sự áp đặc của thần linh, của một vị Giáo chủ, hay của bất kỳ ai có quyền uy. Giới là nguyên tắc vận hành của vũ trụ vạn hữu, là bản chất đời sống. Trong quá khứ, các vị thánh đệ tử Như Lai đã thọ trì Pháp Thiền Tứ Niệm Xứ. Họ chỉ làm một việc là luôn quan sát tâm, đề phòng từng ý niệm sinh và diệt. Làm được vậy, không một ác pháp nào được sinh ra, do vì từ trong trứng nước ác pháp đã bị triệt tiêu.  

Thời nay, ai thực hành truyền thống Thiền Vipassana, họ có thể quan sát được tâm hành của chính mình trong từng niệm sinh diệt. Nhờ vậy, họ là người giữ giới cao nhất, bởi lẽ không có một ý niệm nào vừa sinh khởi mà không bị họ nhận diện và loại trừ.  Nhờ hành trì giới, đối với các vị xuất gia, họ xây dựng được phước lành, có được phẩm chất đức hạnh toả sáng.  Họ đi đâu cũng được nể trọng, lời nói của họ có sức mạnh thuyết phục, tâm thức của họ chan hòa năng lượng yêu thương. Khi về thăm gia đình, người thân chỉ cần nhìn họ đã phát Bồ đề tâm, quy ngưỡng Tam bảo. Đối với các cư sĩ, khi phát tâm tu dù chưa xuất gia, nếu nghiêm mật thọ trì giới của Phật, họ có được nhân cách lành thiện của người cư sĩ Phật tử. Nhờ vậy, họ mang được sự an lạc đến cho chính mình lẫn cho những người chung quanh. Có hai thể loại giới được Phật chế định. Đó là Thinh Văn giới và Bồ Tát giới. Thinh Văn giới còn được gọi là Giới Tướng và Bồ Tát giới được gọi là Giới Tánh. Theo nền văn học Phật giáo Hán tạng, Thinh Văn là hàng đệ tử Như Lai chỉ biết tự lợi, còn Bồ Tát là hàng đệ tử Như Lai mở rộng tâm thức làm việc lợi tha. 

Do vậy, trong chiều dài lịch sử đạo Phật Việt Nam và Trung Hoa, kinh văn Nguyên thủy của Phật dạy không được coi trọng và thánh Thinh văn bị liệt vào hàng thánh tiểu thừa. Nhưng nếu truy nguyên ngược lại dòng chảy đạo Phật trong quá khứ, các vị Bồ Tát đều thọ học pháp hành trì từ các vị đệ tử Thinh Văn của Đức Thế Tôn. Lại nữa, Thinh Văn giới có hai vai trò quan trọng, đó là chế ác và hành thiện.  Chế ác nghĩa là ngăn ngừa những sai lầm, không làm những việc ác, và hành thiện là làm tất cả những việc lành. Nếu đem hai vai trò này quy chiếu lại, chẳng phải Bồ Tát giới đã nằm ngay trong Thinh Văn giới ư? Do vậy, tuy được chia thành Giới Tánh và Giới Tướng, chúng ta nên hiểu rằng tướng không thể rời tánh

Năng lực của giới

 Trong bất cứ giới luật nào của Phật dạy đều có hai phần, một là tự lợi, hai là lợi tha. Nói cách khác, khi chúng ta trì giới, năng lực của giới mang lại lợi ích cho bản thân ta và cho những người chung quanh ta . Ví dụ về giới nói dối, nếu ta luôn nói lời nói chuẩn mực, nói lời lành và chân thật, món quà ta nhận được là trong gia đình không có xung đột, quan hệ giữa mình và con cái không có khoảng cách.  Phần tự lợi là bản thân ta có được niềm vui, và phần lợi tha là trong gia đình ai cũng được an lạc, luôn có câu nói tiếng cười. Trong thế giới người xuất gia, uy nghi của người tu có hai phẩm tính, một là ngăn ngừa những ác hạnh có thể sinh khởi, hai là làm hoàn thiện đức hạnh.  Khi người xuất gia có được hai phẩm tính này, phần tự lợi là họ làm trong sạch bản thân.  Phần lợi tha là họ biểu hiện đạo hạnh của người tu sĩ khi giữ giới. Qua đó, người ngoài sẽ cảm nhận được nhân cách cao quý của người tu mà đến với Tam Bảo, phát tâm lành tu tập. Ý thức được năng lực của giới còn tùy vào sự hiểu biết của bản thân. Khi tâm thức ta chưa nâng đến một chiều cao nhất định, ta cho rằng những điều Phật dạy không có lợi ích thiết thực, ta sống vung vãi, tự tàn phá mình, không hề biết được thế nào là năng lực của giới. Ngược lại, khi tri thức của ta vươn đến chiều cao nhất định, ta hiểu và tự trải nghiệm những lời Phật dạy, ta có nhu cầu thọ trì giới.  Khi ấy, ta thấy được lợi ích mà năng lực của giới mang lại cho ta: 

(1) làm nhân cách bên ngoài đổi thay, 

(2) làm nội dung đời sống tình cảm, lý trí bên trong hài hoà, 

(3) tạo sự cân bằng an lạc trong gia đình, 

(4) xây dựng nền tảng đức hạnh, 

(5) làm thành phước lành ngay hiện đời và sau này sinh bất cứ nơi đâu đều thừa hưởng quả lành ta đã tạo. 

Hãy nhớ rằng mười phương chư Phật, ba đời Bồ Tát, ngay cả Đức Như Lai đều có những thành tựu lớn do tu tập giới, nhờ năng lực của giới

Lý tưởng tu học

Trải dài từ lúc Thế Tôn còn tại tiền, qua dòng lịch sử 2.600 năm cho tới hiện tại, đệ tử chân thật của Phật lúc nào cũng học và tu một cách nghiêm túc. Người xưa xuất gia không vì danh lợi, lánh nạn, hoặc để kiếm miếng cơm manh áo. Họ ngưỡng mộ giáo pháp, chán nỗi khổ tử sinh mà đến với công trình tu học.Họ đọc ngàn muôn kinh sách của Phật để thăm dò vào con đường Đức Thế Tôn đã đi, làm định chuẩn cho đời tu của chính mình.  Nếu chưa thể hoàn thiện sự nghiệp giải thoát đương thời, tối thiểu họ cũng nắm được lời dạy của Đức Thế Tôn, sống viên mãn đức hạnh biểu hiện sự cao quí giữa đời  để làm niềm cảm hứng đạo đức cho nhân gian, đền ơn cho thập phương thí chủ đã nuôi dưỡng hình hài và đời sống họ. Nhìn gương xưa của các bậc Thầy đã liệng hết một đời vào chùa để học và hành trì chánh pháp, thành đạt được trí tuệ, chứng nghiệm tuệ giác và giải thoát ngay hiện đời, Phật tử tại gia và xuất gia ngày nay nên phát đại nguyện nuôi dưỡng bản hoài tu học của chính mình. Nếu đã thật sự tu, ta không cho phép mình tự chuốc phiền não. Nếu đã có lý tưởng tu, hãy sống mỗi ngày sao cho hoàn thiện phẩm chất "chân, thiện, mỹ" của chính tự thân.

 Kết luận 

  • Là con Phật, chúng ta có hai việc phải làm, một là đọc rộng nghe nhiều để trở thành bậc đa văn, hai là nghiêm mật trì giới để làm thăng tiến uy nghi và phẩm chất tu từng ngày.
  • Mỗi bình minh là một ngày mới bắt đầu. Hãy nương vào hiện tượng thiên nhiên này, phát nguyện mỗi ngày phải nuôi lớn trí tuệ, đổi thay nhân cách, hoàn thiện phẩm chất tu. Đừng sống với tâm thức phàm phu mà hoang phí một đời!
  • Con đường đa văn để tăng trưởng trí tuệ và con đường trì giới để thành tựu đức hạnh chưa bao giờ dừng đối với người chưa chứng Thánh quả. Hãy hứa với lòng luôn trau dồi liên tục hai công trình này cho đến khi chứng quả Chánh giác.

Thích Phước Tịnh

Comments
* The email will not be published on the website.