1 min read
PHÁP LÀ VẬY!

PHÁP LÀ VẬY!

Có bao giờ bạn đặt câu hỏi cho chính mình “ta đang làm gì vậy? ta tu như thế này có đúng không? hay cứ sống như một người bình thường, đi làm, vui thú với vài người bạn thân, chăm sóc con cái, nhà cửa, đi du lịch cho hết các nơi mình chưa đi, hay là ta nên sống thu thúc lục căn… v.. v và v… v..”.

Tôi đã từng có nhiều câu hỏi như vậy, nó thúc bách tôi và như thể là một người bị trói buộc đi tìm tự do vậy. Thế rồi tôi giải đãi, không cần siêng năng tinh tấn gì cả, siêng thì tu, không thì thôi! tôi thả cho sự ham thích của mình trong cuộc sống. Để rồi mỗi tối khi đi ngủ tôi lại có cảm giác hình như có một cái gì đó hơi buồn buồn, nó cứ ẩn nấp đâu đó trong tôi, tôi không cảm thấy bình an, nói đúng hơn là tôi thấy áy náy, và rồi cảm giác này ngày một lớn hơn, đến nỗi nó làm tôi bật khóc.

Bên trong tôi dường như có 2 con người, một là người lớn, hai là đứa bé quậy phá, lì lợm. Khi nào tôi sống một đời sống tâm linh thật trong sáng thì tôi thật bình an, nhưng rồi đứa bé quậy phá đó nó cứ rình, lâu lâu lại phá làm cho tôi thật mệt mỏi.

Thế rồi càng chiêm nghiệm tôi càng nhận ra rằng, tâm là như vậy, nó như một con sông cứ chảy và chảy mãi, có lúc sóng to, có lúc thật yên ả. Công việc của tôi bây giờ là cứ nhìn dòng sông trôi như nó muốn. Không phải dòng sông nào cũng giống nhau, không phải ngày nào dòng sông đều chảy cùng một tốc độ, có những ngày mưa bão sông chảy mạnh hơn và nhiều sóng lớn, có hôm chúng lại bình yên thong thả trong những ngày đẹp trời nắng ráo. Cứ thế dòng sông vui buồn luôn thay đổi, chẳng bao giờ ngừng. Tâm người cũng thế, chúng đổi thay liên tục bởi những dòng tâm thức.

Cái khó của ta là ngay khi sóng nổi thì biết đấy chỉ là những cơn sóng đang trào dâng, và cũng phải biết rằng rồi thì sóng cũng sẽ lặng yên. Bởi sóng chỉ là sóng thế thôi, chúng không bao giờ đứng yên một chổ. Sự buồn vui, chúng đến đi theo quy luật sanh diệt liên tục, không cần lo lắng xem khi nào nó chấm dứt.

Khi sóng không dậy phong ba, mặt nước thật tĩnh lặng, thật bình an, nhưng bạn cũng đừng quá vội mừng bởi vì chẳng có gì là không thay đổi cả. Bạn phải tĩnh táo đừng đắm vào cảnh bình yên này mà nên biết rằng cho dù an lạc cách mấy thì nó cũng sẽ trôi qua, sẽ đổi thay. Đó là định luật bất biến trong cuộc sống luôn biến động.

Những lúc khổ đau, hờn giận là những cơ hội cho ta trải nghiệm những ngọn sóng phong ba, nó thật dể sợ, nó như đốt cháy ta vậy, những lúc thế này thì đừng nói làm gì cả mà hãy chỉ dùng một chút thông minh của bạn, bằng sự Nhận Biết thì ta sẽ thoát khỏi trạng thái khổ ấy chỉ trong tích tắc. Đây là chổ khác nhau của người có thực tập và người chưa từng công phu.

Những lúc hạnh phúc và sung sướng cũng là cơ hội để ta thấy rõ hai thái cực khác nhau của những dòng sông cảm thọ, chúng làm hiển thị một cách rõ ràng lời dạy của đức Thế Tôn, cảm thọ luôn là giả, chúng thay đổi liên tục và chúng không thể ở lâu theo ý muốn của ta được, ta không thể bảo “niềm vui ơi ở mãi đừng đi! nỗi buồn ơi xin mi đừng đến!”. Tuy cảm xúc là vô thường nhưng chúng lại có sực mạnh không phải ai cũng có thể chống đỡ nổi. một người đang ở trong trạng thái đau buồn có khi không thể thoát ra được mà nỗi buồn kia đẩy họ đi đến chổ quyên sinh. Chỉ có ai thường xuyên thực hành lời Phật dạy, sống trong sự tĩnh giác, luôn nhận diện, nhận biết được các loại cảm thọ, không đồng hóa mình với chúng thì hy vọng thoát khỏi sức tàn phá của chúng, còn không thì 99% đều nhận lấy hệ lụy của cảm thọ của cảm thọ.

Để vượt qua chúng bạn thật ra không cần phải cố gắng quá nhiều, chỉ cần bạn thật sự mong muốn thực hành lời của Thế Tôn. Từ những bài thực tập đơn giản như giảm bớt các giao tiếp bên ngoài, dành nhiều thời gian cho thiền tập, cho việc chiêm nghiệm những trạng thái tâm đang diễn ra thì lần lần bạn cũng sẽ có được kỹ năng nhận biết các cảm thọ.

Ban đầu những nhận biết chưa đủ sắc bén, chúng chưa giúp gì được cho bạn nếu chẳng may một biến cố hay một việc không như ý nào đó xảy ra. Thông thường người ta hay bỏ cuộc ở giai đoạn này, chỉ đến khi bạn có được sự tinh xảo trong việc quán sát tâm, cùng với những kiến thức về sự vận hành của các tâm hành thì lúc này bạn mới thấy được cảm thọ chỉ là cảm thọ, cho dù lạc hay khổ thì bạn cũng sẽ thấy chúng không còn sức mạnh nữa, đến lúc này chắc chắn bạn sẽ tri ân đức Thế Tôn, không có ngôn từ nào để có thể diễn đạt sự cảm kích này. Bởi nhờ sự thực hành lời ngài dạy đã cứu chúng ta, đã đưa ta thoát khỏi phiền não triền miên, thoát khỏi si mê, để ta có thể sống tự tại, thoát khỏi những ràng buộc của cảm xúc, sống được những ngày tháng thong dong đầy ý nghĩa.

Hãy bình thường với mọi việc, chẳng có gì là thật sự quan trọng cả, sống tĩnh giác trong hiện tại để thoát khỏi phiền não, để hành xử có giá trị cho chính mình, cho gia đình và mang lợi ích đến mọi người mới thật sự có ý nghĩa. Một ngày rồi cũng trôi qua, một đời người rồi cũng sẽ chấm dứt, Pháp là vậy!

CT

Comments
* The email will not be published on the website.