1 min read
Tự Mình Thành Tựu

TỰ MÌNH THÀNH TỰU

Hạnh phúc hay khổ đau, cực lạc hay địa ngục tất cả đều do ta quyết định, khéo tu một chút thì việc mang hạnh phúc cho chính mình trong kiếp sống này, và cả việc tái sanh về đâu sẽ do ta quyết định, chứ không có một vị thầy nào có thể giúp ta được, tuy nhiên chúng không dể nếu chúng ta không hiểu biết sự vận hành của tâm, và thiếu kiên nhẫn trong việc hành trì.

Trong suốt một cuộc đời ta sống bằng những chuỗi suy nghĩ liên tục, chúng chỉ chấm dứt khi thân này không còn sự sống, và từ những suy nghĩ này chúng dẩn đến những hành động tương quan với suy nghĩ đó và tạo nên những nhân thiện hay bất thiện, quả của chúng sẽ diễn ra khi chín muồi cho mỗi chúng ta, và ta không thể nào thoát khỏi những quả này, chúng theo ta như hình với bóng, đây là định luật bất biến.

Theo luật nhân quả thì nhân chúng ta gieo ít như một hạt mè, mà quả chúng ta gặt thì sẽ nhiều như hàng ký mè bội thu, chứ không phải ta gieo một hạt thu hoạch một hạt !

Phật dạy rằng mỗi suy nghĩ chúng đều bắt nguồn từ một hoặc 2 trong 6 gốc, đó là

  • Tham, sân, si (thuộc nhóm bất thiện)
  • vô tham, vô sân và vô si tức trí tuệ (thuộc nhóm thiện)

Nếu một suy nghĩ có gốc thuộc nhóm Thiện thì chúng ta đang gieo Nhân thiện, chắc chắn quả của chúng là thiện lành, ta sẽ có hạnh phúc trong đời thường và tái sanh cỏi lành sau khi chấm dứt thọ mạng.

Ngược lại nếu những suy nghĩ của chúng ta có gốc của nhóm Bất Thiện thì chúng ta không những khổ đời này mà còn khổ nhiều đời sau, bởi quả của chúng là cỏi khổ sau khi thọ mạng chấm dứt.

Nếu chịu khó quán sát và phân tích chúng ta sẽ thấy hầu hết các suy nghĩ của mình đều thuộc nhóm Bất Thiện, hiếm hoi lắm mới có vài suy nghĩ thuộc Thiện.

Thí dụ về những suy nghĩ thuộc nhóm Bất Thiện:

  • Suy nghĩ về “hành động, lời nói của ai đó” dẩn đến sự không hài lòng, không chấp nhận, đây là một suy nghĩ có gốc SÂN
  • Suy nghĩ về “quần áo này đẹp quá, tôi cần phải mua (cho dù tôi có đầy tủ quần áo!)” đây là một suy nghĩ có gốc THAM
  • Suy nghĩ đến những người ta không thích, cảm thấy ghét, muốn tránh mặt, đây là một suy nghĩ có gốc SÂN
  • Suy nghĩ đến những việc làm cho mình buồn, đau khổ, đây là một suy nghĩ có gốc SÂN
  • Suy nghĩ rằng “chết là hết, sống sao cũng được, không cần biết về tương lai, về đời sau” đây là một suy nghĩ TÀ KIẾN thuộc gốc SI

Thí dụ về những suy nghĩ thuộc nhóm Thiện:

  • Suy nghĩ “mình cần phải bố thí ” đây là một suy nghĩ có gốc VÔ THAM và TRÍ TUỆ
  • Suy nghĩ “người ấy không tốt, nhưng thôi kệ!” đây là một suy nghĩ có gốc VÔ SÂN
  • Suy nghĩ “mình cần phải thực hành lời Phật dạy, phải thay đổi những tập khí củ của mình…” đây là một suy nghĩ có gốc TRÍ TUỆ

Nếu hầu hét các suy nghĩ của ta đều có gốc bất thiện, vậy làm sau để tất cả những suy nghĩ đó đều là thiện ?

Bất cứ khi nào có một suy nghĩ khởi lên, việc đầu tiên là hãy nhận diện xem chúng xuất phát từ đâu, từ Ngã mạn, đố kỵ? tham? Sân?... Ngay Khi ta nhận diện được chúng thì nó trở thành một suy nghĩ mới có gốc TRÍ TUỆ. Tập hướng những suy nghĩ về các việc thiện lành, vì đây là suy nghĩ có gốc VÔ SI

Chánh niệm trên hơi thở, không nghĩ chuyện quá khứ, không nghĩ chuyện tương lai, chúng giúp tâm không thể khởi pháp Bất Thiện.

Từng bước chân chánh niệm, cũng thế chúng giúp ta ở mãi trên pháp thiện. Suy nghĩ sẽ nối tiếp suy nghĩ, chúng dắt ta đi lang thang từ pháp thiện qua pháp bất thiện lúc nào không hay, vì vậy giữ tâm trên hơi thở là cách hay nhất mà Thế Tôn đã dạy, để giúp chúng ta hạn chế những suy nghĩ bất thiện.

Tiếp xúc thiện hữu tri thức, người hiền lành giúp ta hoan hỷ, đây là pháp thiện. Tránh xa những bạn dử để giúp mình không sanh khởi sân

Đọc kinh, nghe pháp là cách nuôi dưỡng nhanh chóng pháp thiện trong ta, giúp duy trì và làm tăng trưởng pháp thiện. Càng nhiều pháp thiện thì đồng nghĩa với việc pháp bất thiện sẽ phải giảm thiểu.

Trong một ngày Phật dạy ta luôn quán sát tâm là như vậy, để nhận diện ra chúng và chuyển hóa chúng trước khi những suy nghĩ này đưa đến hành động hoặc lời nói.

“Ngón tay chỉ trăng”, con đường thiện pháp, giải thoát khổ đau đức Phật đã chỉ bày, ngài chỉ đường cho chúng ta đi, việc của ta là thực hành. Chắc chắn việc hành trì không hề đơn giản, chỉ có ai đầy đủ quyết tâm mới có thể thực hiện được những việc “nói thì dể mà làm thì khó vô vàn”. Vâng, ai cũng biết một điều - Thành công luôn dành cho người trí và dũng mãnh.

----- CT -----

Comments
* The email will not be published on the website.